Ô nhiễm không khí: Hà Nội đã vượt Bắc Kinh?

Theo Tân Hoa Xã đưa tin chất lượng không khí ở Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể trong năm vừa qua. Hà Nội ta thì sao?

Ô nhiễm không khí (ÔNKK) tiếp tục giảm mạnh ở Bắc Kinh trong những năm gần đây

Nồng độ trung bình năm 2020 của bụi PM2.5 (các hạt trong không khí có đường kính động học 2,5 micromet trở xuổng, có thể xâm nhập sâu vào phổi con người) là 38 microgam trên mét khối, đã giảm 9,5% so với năm trước đó.

Đây là con số thấp nhất kể từ khi dữ liệu được sở môi trường thành phố Bắc Kinh thu thập và công bố lần đầu tiên vào năm 2013. Điều này đã đánh dấu một bước tiến lớn của chính quyền thành phố Bắc Kinh trong việc cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, chỉ cần giảm thêm 3 microngram/mét khối nữa là thành phố sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia về kiểm soát bụi mịn.

Quay ngược lại tám năm trước đây, nhiều đợt ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài ở Bắc Kinh trong những tháng đầu năm 2013 khiến công chúng thành phố cực kì lo ngại cho sức khỏe của họ đã thúc đấy chính quyền nhanh chóng ban hành một kế hoạch hành động 5 năm (2013-2017) kiểm soát ÔNKK với cam kết giành chiến thắng trong “cuộc chiến vì bầu trời xanh”. Sau sự thành công của kế hoạch đầu tiên, chính quyền Bắc Kinh đã tiếp tục ban hành kế hoạch hành động 3 năm (2018-2020) kiểm soát toàn diện ÔNKK trong mùa thu và đông của khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc.

Bắc Kinh đã thông qua một loạt các biện pháp, tiêu biểu nhất là tối ưu hóa cấu trúc năng lượng và kiểm soát chặt chẽ khí thải công nghiệp và giao thông. Theo đó, mức tiêu thụ than hàng năm của thành phố (chủ yếu tới từ khu vực dân sinh) đã giảm xuống dưới 2 triệu tấn và năng lượng sạch hiện chiếm 97% tổng mức tiêu thụ năng lượng của thành phố. Chính quyền đã kiểm soát chặt chẽ khí thải từ các lò hơi đốt than và nâng tiêu chuẩn khí thả cho các phương tiện giao thông. Hiện đã có hơn 60% tổng số phương tiện giao thông ở thành phố Bắc Kinh đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt “China V” (tương đương tiêu chuẩn Euro 6) trở lên.

Do ÔNKK ở thành phố Bắc Kinh có một phần lớn tới từ nguồn ô nhiễm vùng nên để có được những thành công đó cũng cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết hợp đồng bộ chính sách với các thành phố lân cận là Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc.

Tất nhiên để có được thành công này, Bắc Kinh đã có một sự đầu tư lớn. Ngân sách của Bắc Kinh để chống ô nhiễm không khí đã tăng từ chỉ hơn 3 tỷ nhân dân tệ (434 triệu USD) vào năm 2013 lên hơn 19 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) vào năm 2018.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt Bắc Kinh?

So sánh mức độ ÔNKK giữa hai thành phố là việc không hề đơn giản vì ÔNKK không chỉ có bụi mịn PM2.5 mà còn có các chỉ số khác nữa như bụi PM10, các khí NOx, SO2, CO và O3, chưa kể tới độ tin cậy và bao phủ của dữ liệu cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác như thời tiết trong năm so sánh. Trong lúc chúng ta chờ Hà Nội công bố dữ liệu chính thức (tôi cũng có thu thập dữ liệu trên website môi trường thủ đô của Hà Nội), tôi xin đưa ra một vài nhận xét qua một phần dữ liệu hiện có.

Theo kinh nghiệm của tôi (tôi đã từng đo đạc dữ liệu về ÔNKK ở Bắc Kinh bằng nhiều phương pháp khác nhau trong năm 2016-2017) dữ liệu ở Bắc Kinh sau năm 2013 có độ tin cậy rất cao (họ có 35 trạm quan trắc chuẩn ở Bắc Kinh, trong đó bao gồm 12 trạm quan trắc nền đô thị quốc gia).

animation

Hình 1. Xu hướng nồng độ bụi mịn ở Bắc Kinh và Hà Nội.

Ta hãy thử so sánh với những dữ liệu đã có sẵn (từ đại sứ quán Mỹ và IQAir-Air Visual, hình 1). Theo dữ liệu từ 2 nguồn này thì chúng ta thấy nồng độ bụi mịn ở Bắc Kinh đã giảm xuống tương đương (có thể nói là thấp hơn) so với nồng độ bụi ở Hà Nội. Theo báo cáo của IQAir thì năm 2018, Bắc Kinh và Hà Nội đứng lần lượt thứ 8 và thứ 12 trong top các thủ đô ô nhiễm bụi mịn nhất thế giới. Năm 2019 thì Hà Nội ta đã vươn lên vị trí thứ 7 trong khi Bắc Kinh đã rơi xuống vị trí thứ 9.

Tất nhiên chúng ta có quyền nghi ngờ số liệu của IQAir và điểm đo ở đại sứ quán Mỹ cũng không hẳn có thể đại diện cho toàn Hà Nội. Số liệu của IQAir cho Bắc Kinh rất khớp với số liệu công bố từ chính phủ Trung Quốc. Còn cho Hà Nội thì IQAir cho biết số liệu họ thu thập từ 10 trạm quan trắc Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, 7 trạm từ tổng cục môi trường, 1 điểm đo từ đại sứ quán Mỹ cộng với 3 nguồn cung cấp ẩn danh.

Chúng ta cũng có quyền nghi ngờ phương pháp tính của IQAir, nhưng theo tôi nếu lấy trung bình năm thì sai số sẽ là nhỏ. Một số các yếu tố khác có thể ảnh hưởng như ảnh hưởng của thời tiết hay sự bất thường trong năm 2020 bởi dịch Covid-19. Theo sự phân tích số liệu của tôi (chưa công bố) thì ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội thực tế đã giảm đáng kể từ giai đoạn 2013 tới 2017, nhưng lại có xu hướng chững lại hoặc tăng nhẹ trong 3 năm gần đây.

Và dù cho có dùng con số nào đi nữa thì nồng độ bụi mịn ở Hà Nội chắc chắn vẫn đang vượt quá tiêu chuẩn của chính chúng ta (là 25 microgam trên mét khối) và vượt xa (4-5 lần) tiêu chuẩn khuyến nghị bởi tổ chức y tế thế giới WHO (10 microgam trên mét khối). Điều tôi và các bạn quan tâm hơn cả là làm sao có thể xử lý được vấn đề này và cái tiêu đề so sánh trong bài này thực ra chỉ để câu khách.

Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ Bắc Kinh để giải quyết vấn đề ÔNKK?

Tôi cho rằng lịch sử ÔNKK và các kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề này của chính quyền Bắc Kinh là đặc biệt hữu ích cho các thành phố đang phát triển như Hà Nội học tập kinh nghiệm.

Mặc dù Hà Nội chưa (và khó có thể) ô nhiễm tới mức như ở Bắc Kinh của 5-10 năm trước đây, tuy nhiên với sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông và nhu cầu sử dụng năng lượng trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện nay thì nếu không có những giải pháp hợp lý chất lượng không khí thủ đô chúng ta sẽ ô nhiễm trầm trọng hơn. Và bánh xe lịch sử ÔNKK có thể sẽ quay vòng lại. Khi đó chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt trong việc xứ lý vấn đề ÔNKK như Bắc Kinh hiện nay.

Theo tôi, vấn đề ÔNKK ở Hà Nội và Bắc Kinh có nhiều sự tương đồng, đặc biệt về đặc tính và nguồn ô nhiễm của bụi mịn PM2.5. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nguồn chính bao gồm nguồn bụi thứ cấp, từ các hoạt động sử dụng nhiên liệu than/sinh khối, giao thông và nguồn vận chuyển trung/dài hạn tới Hà Nội.

Hà Nội đã, đang và sẽ cần làm gì để giải quyết vấn đề này

(Xin mời các bạn đọc bài kế tiếp có nhan đề “Hà Nội ta chống ô nhiễm giỏi!”-hihi).

Tham khảo & Chú thích

http://www.xinhuanet.com/english/2021-01/04/c_139641447.htm

Updated:

Leave a comment