Giới thiệu sách về ô nhiễm khí quyển và bụi (Phần 1)

Tôi nhớ trước khi tôi làm PhD đã được các anh chị đi trước chỉ dạy: để trở thành một nhà nghiên cứu giỏi thì ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự hướng dẫn của thầy cô thì không thể thiếu các cuốn sách/ giáo trình hay. Theo quan sát rất chủ quan của tôi thì có khá nhiều các bạn trẻ (trong đó có tôi)-những người đang chập chững bước vào nghề nghiên cứu lại dành rất nhiều thời gian đọc báo khoa học (papers) mà ít khi chú trọng dành thời gian nghiền ngẫm sách chuyên môn. Theo kinh nghiệm của tôi thì nếu chỉ đọc papers không thôi sẽ thiếu đi những kiến thức căn bản cần có để nhìn vấn đề nghiên cứu của mình một cách sâu hơn và cũng khó có thể khái quát hóa vấn đề đó.

Trong bài này tôi xin giới thiệu bộ ba cuốn sách tôi cho rằng sẽ có rất ích cho các bạn sinh viên học về ngành ô nhiễm khí quyển, đặc biệt chuyên về bụi.

1. Cuốn “Aerosol Technology: Properties, Behavior, and Measurement of Airborne Particles”

Tác giả là giáo sư William Hinds từ trường UCLA, do nhà xuất bản Wiley ấn hành. Như tiêu đề của cuốn sách thì cuốn này chuyên về bụi. Mặc dù cuốn này viết đã lâu nhưng tôi thấy cuốn này cực kì quan trọng cho nhưng ai bắt đầu nghiên cứu về bụi. Sách đã chỉ dẫn tất cả những kiến thức cơ bản về bụi như đặc tính của bụi, các phương pháp đo, và hành vi của bụi trong không khí cũng như trong hệ thống hô hấp con người. Đây là cuốn sách viết rất rõ ràng, súc tích nhưng dễ hiểu và có cả bài tập để làm thêm. Sách bao gồm 21 chương và dày 483 trang. Tôi rất thích làm bài tập trong cuốn này :)

2. Cuốn “Atmospheric Chemistry and Physics: From Air Pollution to Climate Change”

Tác giả cuốn này là prof John H. Seinfield (trường CalTech) và Spyros N. Pandis (CMU) do nhà xuất bản Wiley ấn hành. Đây là cuốn có lẽ tôi đọc nhiều lần nhất. Cuốn sách dày 1326 trang với 24 chương bao gồm hầu hết các vấn đề liên quan tới bụi và các khí ga trong khí quyển. Cuốn sách đã giới thiệu một cách rất hệ thống từ bầu khí quyển chung cho tới các quá trình hóa lý của chất trong các tầng đối lưu và bình lưu một cách chi tiêt. Tôi rât thích phần kiến giản về cơ chế các phản ứng cũng như các định luật liên quan tới các quá trình lý hóa của hạt/khí. Sách có 1 vài chương giới về ảnh hưởng qua lại aerosols và clouds, cũng như ảnh hưởng của khí tượng. Đây là một cuốn sách với rất nhiều kiến thức chưa đựng bên trong và cần nghiền ngẫm một cách kiên nhẫn.

3. Cuốn “Chemistry of the Upper and Lower atmosphere: Theory, Experiments, and applications”

Tác giả cuốn này là Barbara J. Finlayson-Pitts và James N. Pitts, Jr từ đại học California do nhà xuất bản Academic Press xuất bản. Cuốn này dày 969 trang nhưng khổ to nên khá năng :). Đây là một cuốn sách tôi cực kì thích, có lẽ vì tôi xuất thân từ dân hóa phân tích và làm rất nhiều thí nghiệm trong phòng lab. Như tiêu đề của cuốn sách, đây là cuốn cực kì hữu ích cho các bạn làm về hóa học khí quyển. Cuốn đã giải thích rất nhiều các cơ chế phản ứng của các chất trong khí quyển và biệt có 1 chương cuốn trước còn thiếu là về các phương pháp phân tích và 1 chương giới thiệu về ô nhiễm không khí trong nhà. Phần bài tập trong sách này cũng rất hay.

animation

Hình 1. Bộ ba cuốn sách cơ bản tôi yêu thích

Viết tới đây tôi cảm thấy tôi thật may mắn. Nhớ lại hồi 2013, khi tôi mới bắt đầu sang Anh Quốc để làm PhD, ai đó đã đặt ba cuốn sách đó ngay ngắn trên mặt bàn làm việc của tôi. Tôi đã giữ ba cuốn đó tới bây giờ và tôi luôn biết ơn về điều đấy.

Cuối cùng, ngoài ba cuốn trên, nếu bạn nào nghiên cứu chuyên sâu về ô nhiễm không khí trong nhà, tôi recommend (và tiện thể PR) cuốn sách “Indoor Air Pollution” do giáo sư Roy M. Harrison (đại học Birmingham, UK)- người hướng dẫn tôi- chủ biên và đã được nhà xuất bản Royal Society of Chemistry (UK) ấn hành mới đây (2019). Có lẽ đây là cuốn sách hiếm hoi về ô nhiễm không khí trong nhà (và tôi có đóng góp 1 chương trong đó). Cuốn sách này khá mỏng, bao gồm 8 chương trong 222 trang. Theo tôi sách đã review khá kĩ về nguồn, hành vi của các chất gây ô nhiễm trong nhà, cũng như ảnh hưởng của Ô nhiễm không khí trong nhà tới sức khỏe con người.

animation

Hình 2. Cuốn “Indoor Air Pollution” do giáo sư hướng dẫn tôi chủ biên

Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn thêm một số cuốn sách hay mà tôi đang đọc gần đây trong phần tiếp theo.

Updated:

Leave a comment