Thuốc

Hôm trước thấy một bạn trẻ tiếc ngẩn ngơ khi phải để lại cái điếu cày to tổ chảng ở nơi kiểm tra an ninh phi trường, làm tôi nhớ tới vài chuyện về thuốc lá.

  1. Cách đây mấy tháng trên diễn đàn người Việt ở Anh, có một anh lên kêu ai có việc thì cho mấy ảnh làm với. Hỏi ra mới biết mấy ảnh sang lao động thời vụ, được làm chưa đầy 1 tháng. Do không rành tiếng nên lúc nghỉ giải lao mấy ảnh túm tụm vô tư bắn vài bi ở nơi không được phép hút thuốc. Công ty đuổi việc, rất tội. Quên không hỏi số phận cái điếu cày gây tội sau đó ra sao.

  2. Lại nhớ tầm 10 năm về trước khi tôi mới sang UK được vài tháng, cụ giáo đã giao việc đi thu mẫu bụi ở Tây Ban Nha. Trước khi đi thì tất nhiên phải kiếm tra máy đo mẫu. Lần đầu dùng máy nên tôi vác lên văn phòng để chạy cho nó cẩn thận. Sau khi trình cụ giáo cái số liệu đo ở văn phòng, cụ kêu: Không thể nào, số lượng bụi thế này không khác gì ở thế kỉ 18 (ý hồi đó thành phố Birmingham là thành phố công nghiệp, rất bẩn). Vậy là đi tìm nguyên nhân, hóa ra phòng làm việc mình ở tầng 1, dưới là cửa ra vào tòa nhà, có mấy bố cứ thi thoảng đốt vài điếu gần đấy. Từ đó trước cửa tòa nhà có bảng: Cấm hút thuốc ở đây!

  3. Rồi cuối cùng thì tôi cũng “dính” đến thuốc lá, ấy đo đạc ô nhiễm từ khói thuốc trong nhà. Lúc đó mới biết, phơi nhiễm khói thuốc lá không chỉ tới từ hai đường là hút trực tiếp và ngửi thụ động. Còn đường thứ 3 ít người biết đó là phơi nhiễm các chất hữu cơ và hạt thứ cấp được hình thành sau khi hút khá lâu. Lý do là các chất hữu cơ trực tiếp từ khói thuốc “ám” rất kinh. Thí dụ có thể bám vào tường nhà, đồ vật, quần áo. Khi điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, các chất này lại vô vào trong không khí rồi sau đó có thể phản ứng tạo các chất khác bao gồm các hạt siêu nhỏ cỡ nano mét.

  4. Về độ ám của khói thuốc, thì nhà thơ Nguyễn Duy đã phát hiện từ lâu qua câu thơ:

“Tôi qua lắm núi nhiều sông

Khói ngày xưa ám trong lòng còn cay”

Theo cụ kể thì cái hồi sang Anh, cụ đã bắn vài bi trước mộ cụ Mác 😊

Updated:

Leave a comment