Thật là đáng mừng cho nền khoa học nước nhà!

Công bố khoa học

Chục năm trở lại đây mọc lên nhiều nhà xuất bản với nhiều hình thức xuất bản phong phú và mới khiến số lượng bài báo khoa học cũng tăng lên nhanh chóng. Theo dữ liệu từ Web of Science (tìm với từ khóa country=Vietnam), số lượng công bố từ Việt Nam năm 2010 là khoảng 1728 bài báo thì tới năm 2020 là 16381 bài báo, tức tăng trưởng gần 10 lần trong vòng 10 năm!

Thật là đáng mừng cho nền khoa học nước nhà!

Nếu đi sâu hơn chút thì thấy có rất nhiều nhà nghiên cứu còn công bố hàng chục tới hàng trăm bài báo trong năm qua. Ấy là chưa kể một số người còn khoe năm rồi họ làm nhiều công việc khác như viết sách, bình duyệt cả trăm bài báo của đồng nghiệp, làm dự án này kia.

Năng suất làm việc quả thật đáng ngưỡng mộ!

Ngưỡng mộ hơn nữa là một số nhà nghiên cứu rất đa tài, làm đủ mọi chủ đề và mỗi ngành nhón một tí. Trước giờ nghe nói nghiên cứu đa/liên/xuyên ngành, tưởng các nhà nghiên cứu từ nhiều ngành khác nhau cùng nhau nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của một vấn đề. Hóa ra không phải, có rất nhiều nhà nghiên cứu đa năng, có thể cân tất cả!

Là một nhà nghiên cứu, tôi cũng ao ước mình cũng xuất bản nhiều hơn. Mong vậy chớ tự biết mình kiến thức còn nông cạn và nhiều khi thiếu cẩn thận dễ tới ngộ nhận kết quả nên tôi chỉ dám mong năm tới (2022) có thêm một hoặc vài bài báo. Đối với tôi như thế là đại thành công rồi!

Ông bạn thân tôi (cũng dân nghiên cứu về môi trường) cùng chung ước mong: Năm mới xả ít rác nhất có thể.

Một bài báo được công bố in ra tốn tới chục trang giấy, tức là có bao nhiêu cây bị đốn hạ! Nếu bài báo không in ra, chỉ lưu bản điện tử trên internet thì chắc cũng tốn điện do lưu trữ chớ nhỉ (?). Tất cả đều tốn tài nguyên cả! Giá có tạp chí uy tín nào của ngành tôi mà đòi hỏi một bài báo chỉ giới hạn trong 1 trang thôi thì tốt biết bao.

Dù là rác in hay điện tử thì vẫn tốn nhất vẫn là thời gian người đọc.

Rác quá, đọc mất thời của độc giả để họ chửi dễ tổn thọ lắm!

Updated:

Leave a comment